70-80% Bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang có vấn đề về hiếm muộn

Tổng quan hội chứng buồng trứng đa nang

Hiếm muộn là một vấn đề thường gặp ở các bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Ước tính có đến 70-80% bệnh nhân PCOS có vấn đề về hiếm muộn. Nguyên nhân gây hiếm muộn là do tình trạng rối loạn phóng noãn (rụng trứng) của bệnh nhân.

buồng trứng đa nang

Rối loạn phóng noãn

Rối loạn phóng noãn là tình trạng thường gặp ở các bệnh nhân bi hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn có thể là không rụng trứng hoặc rụng trứng thưa (ít hơn 8 chu kỳ có rụng trứng trong một năm).

Cơ chế chính xác gây ra tình trạng không rụng trứng ở phụ nữ này còn chưa rõ ràng, tuy nhiên với các chứng cứ hiện tại thì có ba giả thiết sau được chấp nhận. Thứ nhất là tình trạng rối loạn bài tiết các hormone như GnRH, gonadotropins. Thứ hai là tình trạng đề kháng insulin, và cuối cùng là tình trạng tăng androgen trong buồng trứng.

Buồng trứng đa nang và hiếm muộn

Cần lưu ý là không phải tất cả bệnh nhân PCOS đều kèm theo rối loạn rụng trứng, và ngay cả các phụ nữ có rối loạn kiểu rụng trứng thưa thì họ vẫn có khả năng có thai tự nhiên. Khi bệnh nhân PCOS kèm theo hiếm muộn thì hiện tại vẫn có rất nhiều cách can thiệp để họ có thể có con.

Xem thêm: 7 Ảnh hưởng của hội chứng buồng trứng đa nang đến đời sống phụ nữ

Thay đổi lối sống, giảm cân

Đối với các bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang bị hiếm muộn có tình trạng béo phì thì việc thay đổi lối sống như tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân chính là can thiệp đầu tiên được lựa chọn. Việc giảm từ 5-10% cân nặng ở phụ nữ dư cân, béo phì sẽ giúp làm tăng tình trạng nhạy cảm insulin, giảm nồng độ androgen, LH và qua đó cải thiện tình trạng rụng trứng và thụ thai. Các thay đổi khác như không hút thuốc, không uống rượu cũng được khuyến khích.

Hơn nữa, các bệnh nhân bị Hội chứng buồng trứng đa nang kèm theo béo phì khi có thai sẽ tăng các nguy cơ có hại như bị sẩy thai, sinh non, đái tháo đường, tăng huyết áp, di tật bẩm sinh…Chính vì thế, giảm cân ở các bệnh nhân này là điều thật sự cần thiết.

Các phương pháp dùng thuốc

Đối với các bệnh nhân buồng trứng đa nang có rối loạn rụng trứng thì clomiphene citrate (CC) là thuốc đầu tay được sử dụng để tạo ra chu kỳ có phóng noãn. Lợi điểm của CC là hiệu quả cao, chi phí thấp, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ.

Các gonadotropins là lựa chọn thứ 2 cho các bệnh nhân buồng trứng đa nang có rối loạn phóng noãn. Do chi phí khá đắt nên cần khảo sát sự thông thương của vòi trứng trước khi các gonadotropins được sử dụng. Việc kết hợp các gonadotropins với kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) cho thấy sẽ mang lại hiệu quả có thai cao hơn so với việc quan hệ tự nhiên.

Đốt điểm buồng trứng qua nội soi cũng được xem là lựa chọn thứ 2 đối với nhóm bệnh nhân này. Đây là phương pháp xâm lấn, đắt tiền và bệnh nhân phải gây mê để mổ nên cần được chọn lựa trên từng bệnh nhân cụ thể.

Khi các biện pháp trên thất bại thì bệnh nhân được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc bơm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Vì chi phí rất cao nên IVF, ICSI là biện pháp được lựa chọn sau cùng, tuy nhiên nếu bệnh nhân có tình trạng tắc nghẽn cả hai vòi trứng hay có tình trạng bất thường tinh trùng của người chồng thì các kỹ thuật này nên được lựa chọn đầu tiên.

Gần đây việc sử dụng thuốc ức chế men aromatase như letrozole cũng mang lại nhiều hứa hẹn và hy vọng cho các bệnh nhân PCOS có rối loạn phóng noãn.

Tham khảo thêm: INOFOLIC

Kết luận

Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn mang lại nhiều vấn đề cho người bệnh, đặc biệt là vấn đề hiếm muộn. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ là các bệnh nhân PCOS họ vẫn có thể mang thai một cách tự nhiên mà không cần can thiệp gì cả. Ngay khi các phụ nữ PCOS không thể mang thai tự nhiên thì hiện tại đã và đang có nhiều biện pháp hổ trợ đem lại một tương lai xán lạn cho họ về khả năng sinh sản.

Theo ThsTrần Nhật Huy

Giảng viên bộ môn Phụ Sản Đại Học Y Dược TPHCM

Tài liệu tham khảo

  1. Polycystic ovarian syndrome and hyperandrogenism, Williams Gynecology, 3rd edition
  2. Treatment of the infertile couple, Williams Gynecology, 3rd edition
  3. Treatment of infertility in women with polycystic ovary syndrome: Approach to clinical practice, Clinics.